Trang phục Inu_Yasha_(nhân_vật)

Tác giả Takahashi Rumiko từng trả lời báo giới rằng, quần áo của Inu Yasha dựa trên trang phục của các thầy tu Nhật Bản trong giai đoạn thế kỉ 12-16, giống như những trang phục của các tu sĩ Thần đạo Nhật như Kikyo, Kaede hay của ông ngoại Kagome.

Màu sắc của bộ quần áo của anh ban đầu có màu hồng, về sau được đổi thành màu đỏ như hiện nay. Inu Yasha mặc màu đỏ, tượng trưng cho lửa, thể hiện tính cách bộc trực, nóng nảy và khảng khái của anh chàng.

  • Chiếc áo khoác Chuột lửa (hay còn gọi là"hỏa thử bào) thường bị nhầm lẫn với một chiếc kimono thông thường hiện nay. Một số ý kiến khác cho rằng đó là một chiếc hitatare nhưng thật sự hitatare dài hơn, và áo khoác của Inu Yasha thường được anh bỏ vào trong quần chứ không bỏ ra ngoài. Vì vậy, nhiều người cho rằng nó là một chiếc Hitoe với ống tay áo kiểu kariginu (kiểu hình chuông). Sườn áo không được may gập và tay áo chỉ được khâu một phần với thân, tạo ra một khe hở từ đó có thể nhìn thấy chiếc áo trắng kosode phía trong. Cổ áo mở và dài, phần viền cổ rất rộng. Khi mặc vào thì phía sau lưng tạo thành một nếp cuộn. Ống tay áo khá rộng, mép áo được thiêu các dải ruy-băng, nhờ đó ống tay áo được giữ lại ở cổ tay (cách làm này tương tự như việc xử lý cổ chân ở quần hakama). Chiếc áo khoác dài xấp xỉ đến chân của Inu Yasha, tuy nhiên điều lạ là chiếc áo trong kosode lại được nhìn thấy qua khe hở của quần. Có thể là gấu chiếc áo khoác Chuột lửa đã được gập lại để thuận tiện cho việc di chuyển. Ngoài ra anh còn buộc một sợi dây đen quanh thân mình vắt qua vai phải và luồn qua hông trái, nút buộc nằm ở ngực phải. Nguyên do là để giữ chiếc áo không bị xộc xệch.
Áo khoác Chuột lửa được dệt từ những sợi lông của yêu quái Chuột lửa và do Inu no Taishou, cha của Inu Yasha để lại cho con mình như một vật phòng thân. Theo lời Inu Yasha thì chiếc áo này "bền hơn loại áo giáp tốt nhất" (chương 9) và nó cũng không thể bị đốt cháy. Vì vậy đây đồng thời cũng là một bảo bối quan trọng của Inu Yasha. Thỉnh thoảng anh cho bạn bè mượn để bảo vệ họ, nhất là Kagome. Tuy nhiên đến ngày trăng non, khi Inu Yasha mất yêu lực thì chiếc áo khoác mất tác dụng. Chiếc áo này lấy nguồn gốc từ 1 truyền thuyết Nhật Bản. Và nhiều lần chiếc áo khoác Chuột lửa đã bị đối thủ làm rách (ví dụ như trong Inu Yasha the Movie 2), nhưng do nhiều nguyên nhân sau đó nó lại lành lặn như mới.
  • Kiểu quần của Inu Yasha là một loại Hakama có tên gọi là Sashinuki với đáy thấp, ống chân rộng thùng thình nhưng cổ chân vừa khít, tạo cảm giác phúng phính như một quả bóng hơi. Mặc dù sống trong thời Chiến Quốc Nhật Bản (Sengoku, 1467-1615) nhưng kiểu quần này thuộc thời kỳ Bình An (Heian,795-1192) trước đó. Nguyên do là đây là kiểu quần áo do cha anh, một đại yêu quái đã qua đời cách đó 250 năm, để lại. Chiếc quần và cả chiếc áo khoác Chuột lửa được cho rằng là cùng một bộ và cả hai đều là "tấm áo giáp" của Inu Yasha.
  • Bên trong áo khoác là một chiếc áo Kosode với màu trắng đặc trưng trong thời kỳ này. Sở dĩ mang tên kosode, tạm dịch là ống tay áo nhỏ, thật ra là vì cổ tay áo được làm vừa khít giống như cổ tay áo thời hiện đại (trái với truyền thống lúc đó là cổ tay rất rộng). Chiếc kosode có thể được nhìn thấy qua khe hở giữa ống tay và thân của chiếc áo khoác Chuột lửa, cách thiết kế này có lẽ là "mốt" của thời đó.
  • Thắt lưng (Obi) kiểu của các kiếm sĩ Nhật hay dùng, vì thanh kiếm cũng được gài vào thắt lưng này. Các kiếm sĩ thường đeo nó ở đúng vị trí thắt lưng của mình để tiện việc rút kiếm, và nút thắt khá chặt, thường có dạng hình vuông. Tuy nhiên thắt lưng của Inu Yasha nằm ở vị trí cao hơn, gần khung xương sườn. Nút thắt thì có hình nơ bướm.
  • Để che khuất đôi tai chó, gia đình Kagome thường đội một chiếc mũ bóng chày hoặc quấn một mảnh vải lên đầu Inu Yasha. Có điều anh tỏ ra không thích các "trang bị" này cho lắm.
  • Chuỗi hạt (言霊の念誦, Kotodama no Nenju, ngôn vụ chi niệm tụng) mà Inu Yasha đeo trên cổ là một dụng cụ để kiềm chế Inu Yasha khi anh sắp sửa làm chuyện gì quá lố do bản tính hung hăng của mình. Nó hoạt động khi Kagome nói Osuwari (おすわり, ngồi xuống), lúc đó chuỗi hạt sẽ kéo anh đập mặt xuống đất). Chuỗi hạt do Kikyo tạo ra, cô cũng có thể sử dụng nó bằng từ "được yêu thương" nhưng Kikyo chưa bao giờ dùng với Inu Yasha. Trái lại, "Inu Yasha, ngồi xuống" là một câu nói mà Kagome phải thường xuyên sử dụng. Chuỗi hạt xuất hiện ở chương 3, lúc đó Kaede ném nó vào cổ anh để ngăn anh tấn công Kagome cướp ngọc Tứ Hồn. Chuỗi hạt này nhiều khi được hiểu là chiếc vòng cổ chó của "chú chó" Inu Yasha, còn Kagome là người "chủ".
Giống như nhiều chuỗi hạt khác của Nhật Bản, chuỗi hạt này có các hạt đen rất to, cứ cách 5 hạt lại có 1 viên đá (magatama) có hình dấu phẩy mà nhiều người tưởng là răng. Những viên đá này, theo truyền thống Nhật Bản, được cho là ẩn chứa rất nhiều ma thuật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Inu_Yasha_(nhân_vật) http://www.amazon.com/Anime-Inuyasha-Figure-inu-ya... http://www.amazon.com/Distributoys-com-Inc-Inuyash... http://www.amazon.com/Great-Eastern-Inu-Yasha-InuY... http://www.amazon.com/Inu-Yasha-InuYasha-Kagome-Cl... http://www.amazon.com/Inu-Yasha-Inuyasha-Graphic-S... http://www.amazon.com/InuYasha-Human-Form-Plush/dp... http://www.amazon.com/Inuyasha-PVC-Keychain-Ge-331... http://www.amazon.com/Inuyasha-Yokai-Gaming-Booste... http://www.amazon.com/Legends-L-p-2005-Inuyasha-Fe... http://www.amazon.com/Yasha-Bead-Fang-Necklace-Inu...